“… Có một viên ngọc quý thời gian dành riêng để ban tặng con người, đó là Tuổi thơ. Viên ngọc màu nhiệm, trong sáng nhưng quá mong manh, không thể tìm thấy lần thứ hai trong đời. Và có một thế hệ người Việt chưa bao giờ được cầm viên ngọc trên tay, “Tuổi thơ dữ dội” của Phùng Quán được viết cho thế hệ đó. Hãy đọc để nhớ lại, để tự hào, và để cầu nguyện cho những Tuổi thơ sắp ra đời…”
Tôi cũng không còn nhớ nữa, lần cuối tôi khóc vì cuốn sách này là khi nào? Lần đầu tiên tôi biết đến nó là năm tôi 14 tuổi, cái tuổi của sự ngây ngô, trong sáng, vô lo, vô nghĩ, mọi hỉ nộ ái ố đều bất giác không giữ trong lòng mà bật ra thành tiếng. Vậy mà, cuốn sách ấy đã làm thay đổi nhận thức của tôi cho tới ngày hôm nay.
Tuổi Thơ Dữ Dội – Bức Tranh Về Sự Hy Sinh Cao Cả
Tác phẩm viết về tuổi thơ dữ dội của những đứa trẻ trong những năm bom rơi đạn nổ, ranh giới của cái sống và cái chết nằm trong gang tấc. Những trang đầu làm tôi mơ hồ vì những sự việc nối tiếp liền mạch nhưng rồi không biết từ khi nào tôi bị cuốn hút một cách lạ thường bởi những mảnh ghép rời rạc nhưng vô tình lại trở thành một bức tranh hoàn mỹ.
Chắc có lẽ vì tôi cảm thấy vừa ngưỡng mộ lại vừa xấu hổ với chính mình khi chìm đắm vào tuổi thơ của họ – những thiếu niên 13, 14 tuổi lại mang trong mình sự dũng cảm phi thường, một trái tim nồng nàn yêu nước và những sự hy sinh cao cả mà tôi nghĩ rằng nếu là tôi chưa chắc tôi đã dám bước ra để đối đầu.
Nhắc đến Phùng Quán, người ta sẽ nhớ ngay đến một cây bút lạ kỳ trong nên văn học Việt Nam với “Tuổi thơ dữ dội”– một tác phẩm viết cho độc giả là những thiếu niên nhi đồng vô cùng chân thực và xúc động về thế hệ trẻ anh hùng. Cuốn truyện xoay quanh cuộc chiến đấu và hy sinh anh dũng của hơn ba mươi thiếu niên trong hàng ngũ Đội thiếu niên trinh sát của trung đoàn Trần Văn Cao, đặc biệt là các nhân vật như: Lượm, Mừng, Quỳnh sơn ca, Hòa đen, Vịnh sưa, Tư dát,…
Tác phẩm dài bảy phần, được khởi thảo bên bờ Hồ Tây năm 1968 và hoàn thành trong lều cỏ giữa Hồ Tịnh Tâm năm 1986.
Những Trải Nghiệm Từ Cuốn Sách Tuổi Thơ Dữ Dội
Đọc truyện ta sẽ được nhìn thấy những khoảnh khắc, những hình ảnh mà Phùng Quán viết lên bằng ngòi bút của mình quả thật vô cùng chân thực. Những mảnh đời mang trong mình tuổi thơ bất hạnh, đau thương bởi sự tàn khốc của chiến tranh vẫn không khuất phục trước kẻ địch, cùng đồng đội tạo nên tuổi thơ dữ dội cho riêng mình. Ở cái độ tuổi mà đáng lẽ ra, tất cả mọi trẻ em đều được yêu thương, chăm sóc, vui chơi, học tập thì trong chiến tranh, những quyền đó bị bác bỏ không chút ngại ngần.
Từ đó, ta mới cảm nhận được dù là được sinh ra trong hoàn cảnh nào, trong thời kỳ nào thì tuổi thơ vẫn là thứ thiêng liêng đáng được trân trọng. Phải chăng trong sự ngây ngô của tuổi thiếu niên, các anh đã mang tình yêu nhỏ bé của mình cho dân tộc? Đó là câu hỏi mà “Tuổi thơ dữ dội” đặt ra cho mỗi độc giả.
Thông Điệp Ý Nghĩa Từ Tác Phẩm
Tôi mong rằng, bất cứ trẻ em Việt Nam nào cũng nên đọc cuốn sách này để sống cùng những cung bậc cảm xúc của một thời thơ ấu mà cha ông ta đã trải qua. Để rồi, chúng ta mới hiểu hơn trong thời kỳ chiến tranh ác liệt, khi mà những đứa trẻ như chúng ta dù là gầy gò hay ốm yếu cũng trở thành những chiến sĩ cách mạng dũng cảm chống giặc cứu nước.
Ai đã cho những người anh hùng thiếu niên ấy sự gan góc, kiên cường, tôi không biết nhưng chắc rằng nét đẹp ngây thơ, không mềm yếu trước số phận là hình ảnh mang tính liên tưởng cao nhất trong tác phẩm. Bản lĩnh, sự hy sinh, lòng yêu nước của những nhân vật trong truyện sẽ đi theo tôi suốt cuộc đời này. Đó vừa là nỗi đau xót vừa là một mảnh ghép của tuổi thơ mà tôi luôn muốn trân trọng.
Chúng tôi lớn lên với TV, laptop, game, với sự phát triển của thời đại công nghệ thông tin mà quên mất rằng sách cũng là một trong những thứ mà bất kỳ tuổi thơ của một đứa trẻ nào cũng nên có. Nó nuôi dưỡng tâm hồn của mỗi con người, hoàn thiện vốn hiểu biết của mỗi cá nhân. Với bản thân tôi, đây thực sự là một tiểu thuyết đáng để có trong cuộc đời.
Hãy đọc cuốn sách này một lần để biết tình yêu nước không xuất phát từ những thứ lớn lao mà nó là nguộn cội của tình yêu gia đình, làng xóm, người thân. Đừng bao giờ để phí thanh xuân khi không đọc “Tuổi thơ dữ dội” bởi vì nó là nơi nằm giữ những trái tim yêu nước thuần khiết nhất, non dại nhất.
“Tuổi mười bốn đã có những ước ao
Ban đầu cầm súng biết bao là mừng
Mẹ ơi, súng đẹp quá chừng
Con đi đánh trận mẹ đừng lo chi”.
Học sinh: Trác Thảo Ngân -12A8
Nguồn: https://truongxaydunghcm.edu.vn/
Có thể bạn quan tâm
- Cách giảm sưng khi tái tạo da hiệu quả và an toàn
- Cách tắt service không cần thiết Windows 10 để tăng hiệu suất cho máy
- Hướng dẫn hoàn chỉnh Fire Emblem Awakening: Thu phục tướng địch và giải cứu Emmeryn
- Hướng Dẫn Viết Bash Script Cho Người Mới Bắt Đầu
- Hướng dẫn chế tạo súng hơi lò xo: Khám phá chi tiết và lưu ý quan trọng
- Phân tích tác phẩm Vỡ Đê: Bức tranh hiện thực về xã hội Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám
- Tả Hồ Gươm Lớp 3: Viên Ngọc Xanh Giữa Lòng Hà Nội
- Phân Tích Nhận Định: “Tác Phẩm Nghệ Thuật Nào Cũng Xây Dựng Bằng Những Vật Liệu Mượn Ở Thực Tại. Nhưng Nghệ Sĩ Không Những Ghi Lại Cái Đã Có Rồi Mà Còn Muốn Nói Một Điều Gì Mới Mẻ”
- Từ Điển Thuật Ngữ Văn Học: Công Cụ Tra Cứu Thiết Yếu Cho Người Nghiên Cứu Văn Học
- Giải Đáp Bí Ẩn Về Nghiệm Tầm Thường Và Nghiệm Không Tầm Thường Trong Hệ Phương Trình