Chương Trình Ngoại Khóa Văn Học: Hành Trình Theo Dòng Thời Gian

Kính thưa quý vị đại biểu khách quý, kính thưa các thầy cô giáo cùng toàn thể các em học sinh thân mến!

Để mở đầu cho buổi ngoại khóa văn học hôm nay, xin kính mời quý vị đại biểu, các thầy cô và các em đến với một tiết mục văn nghệ vô cùng sôi động: Đó là vũ điệu Trống cơm qua sự thể hiện của các em học sinh khối 6 và biên đạo múa là cô giáo Nguyễn Thanh Hải. Xin kính mời quý vị cùng hướng lên sân khấu và thưởng thức.

Tuyên Bố Lý Do, Giới Thiệu Đại Biểu

Kính thưa các quý vị đại biểu khách quý, thưa các thầy giáo, cô giáo, các em học sinh thân mến!

Thực hiện kế hoạch năm học 2017-2018 của trường THCS Võ Miếu, kế hoạch công tác chuyên môn của nhà trường, của tổ KHXH. Hôm nay, được sự quan tâm chỉ đạo của Phòng GD&ĐT huyện Thanh Sơn, trường THCS Võ Miếu tổ chức hoạt động NGOẠI KHÓA VĂN HỌC – Văn học theo dòng thời gian.

Đến dự với hoạt động ngoại khóa hôm nay, thay mặt BTC, tôi xin trân trọng giới thiệu:

  • Đại diện Phòng GD&ĐT huyện Thanh Sơn có đồng chí:………………………………………………………………………………Cùng các đồng chí cán bộ, chuyên viên GD&ĐT huyện Thanh Sơn, đề nghị chúng ta nhiệt liệt chào mừng!
  • Đại diện Đảng ủy, UBND xã Võ Miếu có đồng chí:………………………………………………………………………………Cùng ……………………………………………………………………. đề nghị chúng ta nhiệt liệt chào mừng!
  • Đại diện BGH các nhà trường xã Võ Miếu:………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………
  • Đại diện các bậc PHHS nhà trường, tôi xin trân trọng giới thiệu:………………………………………………………………………………đề nghị chúng ta nhiệt liệt chào mừng!

Đến với hoạt động ngoại khóa hôm nay còn có các thầy cô trong BGH nhà trường, các thầy cô giáo, cán bộ nhân viên nhà trường cùng hơn 600 học sinh trường THCS Võ Miếu, một lần nữa, đề nghị chúng ta nhiệt liệt chào mừng!

Kính thưa các vị đại biểu khách quý, kính thưa các thầy cô giáo, thưa toàn thể các em học sinh yêu quý!

Nhà văn Mắc-xim Gorki đã nói “Văn học là nhân học” nghĩa là văn học là bộ môn khoa học về con người. Như vậy chúng ta học văn có nghĩa là chúng ta tìm hiểu về chính con người về cuộc đời với đầy đủ ý nghĩa của nó. Và cũng thông qua những tác phẩm văn chương chúng ta được khám phá chiều sâu của cuộc sống muôn màu muôn sắc. Chính vì điều đó nhà nghiên cứu văn học Hoài Thanh đã viết: “Văn chương sẽ là hình dung của sự sống muôn hình vạn trạng, chẳng những thế văn chương còn sáng tạo ra sự sống”. Và khi nói về ý nghĩa của Văn chương ông cũng đã nói: “Văn chương gây cho ta những tình cảm ta không có, luyện cho ta những tình cảm ta sẵn có…” ta hiểu rằng văn chương có vai trò rất lớn trong việc bồi đắp những tình cảm cao đẹp, nhân văn cho con người…

Kính thưa quý vị đại biểu, các thầy cô giáo, thưa toàn thể các em học sinh yêu quý! Với tầm quan trọng và ý nghĩa vô cùng to lớn ấy của văn học nói riêng và văn nghệ nói chung, hôm nay được sự nhất trí của Chi bộ, Ban giám hiệu nhà trường, tổ KHXH tổ chức buổi Ngoại khoá văn học với tựa đề “Văn học theo dòng thời gian” nhằm tạo sân chơi bổ ích đồng thời kích thích hứng thú, niềm say mê, yêu thích với bộ môn Ngữ văn ở các em học sinh trường THCS.

Phát Biểu Khai Mạc

Để mở đầu cho chương trình ngoại khoá hôm nay, tôi xin trân trọng kính mời thầy giáo Đào Trung Tuyến (Bí thư chi bộ – Hiệu trưởng nhà trường) lên phát biểu khai mạc. Xin trân trọng kính mời thầy.

Giới Thiệu Chương Trình

Chương trình ngoại khoá hôm nay gồm có 2 phần:

Phần 1: Chúng ta sẽ được thưởng thức các tiết mục văn nghệ do các thầy cô cùng các bạn học sinh ở các khối lớp trình bày.

Phần 2: Các em sẽ được tham gia vào phần trò chơi với tựa đề: Nhanh tay lĩnh thưởng sẽ dành cho tất cả các em học sinh…

Khép lại chương trình là một tiết mục văn nghệ vô cùng sôi động do nhóm Áo trắng sân trường trong Câu lạc bộ Tiếng Anh.

  • Xin giới thiệu người đồng hành cùng với tôi hôm nay là thầy giáo Nguyễn Văn Tuấn … trân trọng kính mời thầy.

Văn Nghệ

Và sau đây chương trình văn nghệ xin phép được bắt đầu!

Kính thưa quý vị đại biểu, các thầy cô giáo và các em học sinh yêu quý.

Nói về vai trò của văn học, nhà văn Nga Be-lin-sky đã từng nói “Văn học có ý nghĩa rất lớn, nó là gia sư của xã hội”. Đúng vậy, cuộc sống muôn hình vạn trạng đã được tái hiện, phản ánh vô cùng phong phú trong các tác phẩm văn thơ. Bởi vậy mà nhà thơ Nguyễn Đình Thi đã từng viết: “Tác phẩm nghệ thuật nào cũng xây dựng bằng những vật liệu mượn ở thực tại. Nhưng, người nghệ sĩ không ghi lại cái đã có rồi mà còn muốn nói một điều gì mới mẻ. Anh gửi vào tác phẩm một lá thư, một lời nhắn nhủ, anh muốn đem một phần của mình góp vào đời sống chung quanh.” – Và – “Văn chương không cần đến những người thợ khéo tay, làm theo một kiểu mẫu đưa cho: Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi, sáng tạo những cái gì chưa có…”. Bằng sự sáng tạo trong lao động nghệ thuật của người nghệ sĩ, văn chương đã mang lại cho con người những cảm xúc sâu xa trước vẻ đẹp quê hương, đất nước, trước trạng thái muôn màu của thế giới chung quanh và chiều sâu của thế giới tâm hồn.

Các em ạ! Trong phạm vi buổi ngoại khóa hôm nay thầy cô muốn mang đến cho các em những trải nghiệm về dòng chảy của lịch sử văn học. Không những thế, các em còn được cảm thụ văn học dưới góc độ âm nhạc; thấy được văn học gắn với bảo vệ môi trường; văn học gắn với giữ gìn di sản văn hóa dân tộc. Và hơn cả, các em được bồi đắp thêm tình yêu con người, yêu cuộc sống, yêu quê hương đất nước, thêm tự hào về dân tộc mình. Và mục đích cuối cùng của thầy cô là muốn các em biến tình yêu ấy, niềm tự hào ấy thành những hành động thiết thực và ý nghĩa hơn. CÁC EM SẼ YÊU BỘ MÔN NGỮ VĂN HƠN!

I. Văn Học Dân Gian

Nền Văn học Việt Nam được hợp thành từ hai bộ phận: văn học dân gian và văn học viết. Văn học dân gian ra đời từ thời viễn cổ. Đó là những sáng tác vô danh và truyền miệng với nhiều thể loại: thần thoại, truyền thuyết, cổ tích, sử thi, truyện thơ, truyện ngụ ngôn, ca dao, hò, vè… Khi văn học viết ra đời, văn học dân gian vẫn phát triển song song cùng văn học viết. Với sự phong phú về thể loại, văn học dân gian dễ dàng được chuyển thể thành hình thức âm nhạc, sân khấu kịch, kể chuyện, hát diễn xướng…như ca trù, quan họ, bài chòi, hát chèo….

Và Hát xoan – dân ca Phú Thọ là 1 loại hình nghệ thuật tổng hợp, có sự tích hợp giữa văn học, âm nhạc, múa và diễn xướng. Hát Xoan gồm có dân ca lễ nghi phong tục hát thờ thần, thành hoàng hoặc dân ca cầu mùa màng tốt tươi, cầu sức khỏe ….. thường biểu diễn vào dịp đầu xuân. Với lịch sử tồn tại hơn 2000 năm, Hát Xoan là di sản văn hóa hết sức quý báu và được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (2017). Đó là niềm vinh dự và tự hào của người dân Đất Tổ chúng ta. Sau đây kính mời quý vị đại biểu, các thầy cô cùng toàn thể các em đến với làn điệu hát xoan: Trồng bông luống đậu và Xe chỉ vá may do tốp ca nam nữ khối 6 và khối 8 trình bày.

Chúng ta vừa được thưởng thức làn điệu hát Xoan rộn ràng, tình tứ, qua ca từ gợi cho ta nhớ về cuộc sống và lao động sinh hoạt của tổ tiên ta từ thời Hùng Vương. Cứ đến tháng ba Âm lịch hằng năm, mỗi người dân Việt thường hướng về một ngày vô cùng linh thiêng và đặc biệt, ngày mùng 10 tháng 3 – ngày Giỗ tổ Hùng Vương. Đó là ngày mà cả dân tộc VN ta hướng chọn tâm linh mình về với tổ tiên, cội nguồn của dân tộc.

Các em HS thân mến!
Có khi nào các em tự hỏi tổ tiên nòi giống người Việt có từ đâu? Câu chuyện sau đây sẽ giúp chúng ta biết được cội nguồn dân tộc để chúng ta thêm yêu và tự hào về dân tộc mình.

Sau đây kính mời các quý vị đại biểu, khách quí cùng các em học sinh lắng nghe câu chuyện truyền thuyết Con Rồng cháu Tiên qua lời kể của em Hà Hồng Trung Hoa – HS lớp 6C.

Vâng vừa rồi chúng ta đã được nghe một câu chuyện vô cùng ý nghĩa và lời kể hết sức truyền cảm của bạn Hoa. Đề nghị chúng ta hãy thưởng cho bạn một tràng pháo tay thật to nào….

Cùng với hát Xoan, Chèo cũng là một loại hình nghệ thuật sân khấu cổ truyền đặc sắc ở Việt Nam. Chèo mang tính quần chúng và được coi là loại hình sân khấu của hội hè với đặc điểm sử dụng ngôn ngữ đa thanh, đa nghĩa, với cách ví von giàu tính tự sự, trữ tình. Lời hát chèo bắt nguồn từ các làn điệu dân ca, và phổ biến ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Chúng ta đã từng biết đến những vở chèo cổ điển như: Xúy Vân, Từ Thức, Hồn Trương Ba da hàng thịt, Lưu Bình Dương Lễ…và đặt biệt trong chương trình Ngữ văn 7 chúng ta được tìm hiểu 1 đoạn trích chèo – vậy bạn nào có thể cho cô giáo biết đó là đoạn trích chèo nào không?

Đúng rồi! Đó là đoạn trích Nỗi oan hại chồng trích vở chèo Quan Âm Thị Kính. Đây là 1 vở chèo được chuyển thể từ một truyện thơ Nôm khuyết danh. Truyện cốt tả đức tính nhẫn nhục và lòng từ bi của Thị Kính vì đó mà sau này bà trở thành Phật Quan Âm.

Sau đây kính mời quý vị và các em đến với trích đoạn “Thị Màu lên chùa”- một trích đoạn nổi tiếng trong vở chèo Quan Âm Thị Kính , do em Linh Huệ -HS lớp 7E biểu diễn.

II. Văn Học Viết

1. Văn Học Trung Đại

Các em thấy bạn Linh Huệ hát chèo có hay không nào? Vậy chúng ta hãy cho bạn một tràng pháo tay thật giòn giã được không?

Chèo là một hình thức hát diễn xướng đặc sắc trong các hoạt động văn hóa nghệ thuật dân gian. Ngày nay các loại hình âm nhạc hiện đại ra đời, chèo trở nên xa lạ với giới trẻ. Hôm nay qua đoạn trích chèo này, bạn Huệ đã giúp chúng ta quay lại với những giá trị văn hóa của dân tộc đã tồn tại lâu đời, giúp các em hiểu, tự hào và trân trọng hơn.

Văn học dân gian ra đời với những đặc trưng và thể loại riêng như các truyện dân gian, ca dao, tục ngữ, dân ca…. đã tạo nên một bộ phận không thể thiếu trong nền văn học các dân tộc. Đến thế kỉ X, khi chữ viết xuất hiện thì văn học viết ra đời nối tiếp và phát triển dòng văn học dân gian. Từ đó cho đến nay, nền văn học viết được chia ra làm 2 giai đoạn: văn học trung đại và văn học hiện đại với lực lượng sáng tác chủ yếu là những trí thức tài hoa. Suốt chiều dài lịch sử từ TK X-XIX, với hai loại văn tự Hán và Nôm, văn học trung đại đã ghi dấu những tên tuổi lớn của nền văn học nước nhà: Lí Thường Kiệt, Lê Thánh Tông, Nguyễn Trãi, Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan, Nguyễn Du, Nguyễn Khuyến, Nguyễn Đình Chiểu…

Nhắc đến VH chữ Nôm ta không thể không nhắc đến Hồ Xuân Hương – bà chúa thơ Nôm – người phụ nữ đầu tiên trong nền văn học trung đại dám thể hiện cái tôi mãnh liệt. Đọc thơ bà ta thấy được những khát khao cháy bỏng của một người phụ nữ tha thiết yêu đời, muốn yêu và được yêu, được nâng niu và trân trọng. Đọc thơ bà ta còn thấy ẩn sâu trong đó sự ngậm ngùi, chua chát cho số phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến:

Thân em vừa trắng lại vừa tròn

Bảy nổi ba chìm với nước non

Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn

Mà em vẫn giữ tấm lòng son

Tâm sự ấy, tấm lòng son sắc ấy một lần nữa được thể hiện trong điệu múa Bánh trôi nước do tốp nữ khối 9 biểu diễn.

Chúng ta hãy cùng cho tốp múa một tràng pháo tay nào!

Phát triển song song cùng văn học trung đại Việt Nam, văn học phương Tây TK XVII được coi là đỉnh cao của văn học Phục hưng với những tên tuổi lớn như Ra- ble( ở Ý), U. Sếch-xpia(ở Anh)…và đến với nước Pháp ta không thể không nhắc tới nhà soạn kịch nổi tiếng thế giới Mô-li-e với vở hài kịch bất hủ Trưởng giả học làm sang. Kính mời quí vị đại biểu, khách quí cùng các em thưởng thức trích đoạn Ông Giuốc-đanh mặc lễ phục qua sự diễn xuất của các em học sinh lớp 8:

  • Phương Nam trong vai ông Giuốc – đanh
  • Nho An trong vai bác Phó may
  • Tuấn Hoàng trong vai Gia nhân
  • Duy Luân, Đình Báo, Tiến Đạt, Quốc Đan trong vai thợ phụ

Sau đây vở hài kịch xin được bắt đầu!

Các em ạ! Vở hài kịch khép lại nhưng lại mở ra cho mỗi chúng ta bài học sâu sắc trong cuộc sống. Thiếu học thức, thiếu hiểu biết về mọi vấn đề trong cuộc sống sẽ dễ bị người khác trêu đùa, giễu cợt và biến thành trò cười cho thiên hạ. Mỗi chúng ta ngồi đây hãy cùng nhau cố gắng học tập để không bị trở thành ông Giuốc – đanh thứ 2, thứ 3 hay nhiều hơn nữa nhé. Các em có đồng ý không nào?

2. Văn Học Hiện Đại

Văn học trung đại khép lại với những thành tựu rực rỡ. Bước sang thế kỉ XX văn học Việt Nam chuyển sang một thời kì mới – Văn học hiện đại. Cùng với sự thay đổi về văn tự, văn học hiện đại có sự chuyển mình mạnh mẽ, phát triển với tốc độ mau lẹ. Không còn vị trí độc tôn, văn học chữ Hán, chữ Nôm dần vắng bóng mà thay vào đó là sự phát triển của văn học chữ Quốc ngữ và một bộ phận sáng tác bằng tiếng Pháp. Ở thời kì này, đặc biệt là đầu TK XX văn học nở rộ những trào lưu, những khuynh hướng VH: văn học hiện thực, văn học lãng mạn, văn thơ cách mạng….

Vâng, đến với thơ ca Cách mạng ta thường gặp những nội dung tiêu biểu như tình yêu q/h đất nước, lòng căm thù giặc, tinh thần lạc quan, tin tưởng vào sự thắng lợi của cách mạng… Trong những vần thơ sôi trào lòng yêu nước ấy, ta thấy lấp lánh trong đó cả tình cảm lứa đôi. Tình yêu đôi lứa hòa quện cùng tình yêu đất nước được nhà thơ Vũ Cao thể hiện xúc động trong bài thơ Núi đôi. Ai đã từng đọc Núi Đôi của Vũ Cao thì không thể quên những lời thơ, những tình cảm chân thành của ông về câu chuyện tình có thật của 2 vợ chồng liệt sĩ Trần Thị Bắc – người con gái kiên trung của Sóc Sơn – Hà Nội trong kháng chiến chống Pháp. Tình yêu của họ gắn với tình yêu quê hương đất nước. Vũ Cao đã dành riêng cho người ngã xuống với tất cả tấm lòng yêu thương, thành kính. Trong mạch cảm xúc trào dâng, bài thơ kết đọng bằng hình ảnh:

Anh đi bộ đội sao trên mũ

Vẫn mãi là sao sáng dẫn đường

Em sẽ là hoa trên đỉnh núi

Bốn mùa thơ mãi cánh hoa thơm

Sau đây kính mời quý vị và các em đến với Núi đôi của Vũ Cao qua giọng ngâm của cô giáo Bùi Anh Xuân.

Vâng! quả thật Núi Đôi là một bài thơ hay và xúc động lòng người. Cảm ơn cô giáo Bùi Anh Xuân đã làm sống dậy những những cung bậc cảm xúc của nhà thơ Vũ Cao nói riêng và trong lòng bạn đọc nói chung.
Chân thành cảm ơn cô!

Kính thưa quý vị đại biểu. Như phần lớn các nhà thơ viết cho thiếu nhi, Hoàng Minh Chính – người con của đất Tổ đã đặt tâm thế của mình vào trẻ thơ để cảm nhận việc đi học và biểu hiện ý tưởng của mình:

Hôm qua em tới trường

Mẹ dắt tay từng bước

Hôm nay mẹ lên nương

Một mình em tới lớp

Đường xa em đi về

Có chim reo trong lá

Có nước chảy dưới khe

Thì thầm như tiếng mẹ.

Lời thơ trong trẻo ấy đã được nhạc sĩ Bùi Đình Thảo phổ nhạc và đã trở thành niềm yêu thích của tất cả những ai đã đi qua tuổi học trò.

Và sau đây. Kính mời quý vị đại biểu và các em cùng thưởng thức tiết mục múa Đi học do các em học sinh khối 7 biểu diễn.

Vâng giai điệu rộn ràng, trong trẻo của bài hát cùng vũ điệu uyển chuyển của các em đã làm cho sân khấu của chúng ta thật sự tươi vui. Chúng ta hãy thưởng cho các bạn một tràng pháo tay nào…

Trường Sơn, đông nắng, tây mưa

Ai chưa đến đó như chưa rõ mình

Trường Sơn – một thời hoa lửa từ lâu đã trở thành đề tài không thể vơi cạn cho thơ ca chống Mĩ. Ta đã từng biết đến Lâm Thị Mĩ Dạ với bài thơ Khoảng trời hố bom, ta đã từng biết đến Nguyễn Đình Thi với bài thơ Lá đỏ… Và hôm nay chúng ta đến với một nhà thơ quen thuộc – Phạm Tiến Duật – người được mệnh danh là con chim lửa của Trường Sơn huyền thoại, và PTD còn là niềm tự hào của quê hương Phú Thọ. Ông hầu như chỉ viết về người lính và những cô TNXP trên tuyến đường Trường Sơn. Hôm nay, mời quý vị đại biểu, thầy cô và các em trở về với những năm tháng hào hùng ấy, trở về với Trường Sơn năm xưa qua nhạc phẩm Trường Sơn Đông trường Sơn Tây của nhạc sĩ Hoàng Hiệp, phổ thơ Phạm Tiến Duật do thầy giáo Hoài Long và cô giáo Thu Hiền trình bày. Kính mời quý vị cùng thưởng thức.

Câu chuyện tình thời hoa lửa được thầy cô thể hiện thật ngọt ngào, tình tứ và lãng mạn. Chúng ta cùng cảm ơn thầy cô nào!

Vì sao Trái đất nặng ân tình

Nhắc mãi tên người Hồ Chí Minh.

HCM- người cha già kính yêu của dân tộc- tên Người là một niềm thơ. Vâng, chúng ta đã từng biết đến Người trong hình ảnh Người đi tìm hình của nước, đã từng biết đến Người làm việc nơi sàn mây vách gió nơi núi rừng Việt Bắc. Ta cũng từng biết đến Người lồng lộng uy nghi đọc Bản tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam DCCH. Nhưng rồi…Bảy mươi chín mùa xuân trong sáng- Bác đã ra đi để lại niềm tiếc thương vô hạn cho dân tộc. Bùi ngùi trong dòng cảm xúc ấy nhà thơ Hải Như viết:

Chúng ta hãy bước nhẹ chân, nhẹ nữa.

Trăng trăng ơi, hãy yên lặng cúi đầu

Trọn cuộc đời Bác có ngủ yên đâu

Nay Bác ngủ chúng con canh giấc ngủ

Kính mời quý vị cùng lắng nghe ca khúc Chúng con canh giấc ngủ cho Người do nhạc sĩ Nguyễn Đăng Nước sáng tác; Thể hiện: cô giáo Nguyễn Hồng.

Ca từ của bài hát thể hiện nỗi niềm thành kính của tác giả cũng như mỗi người dân Việt Nam về vị Lãnh tụ vĩ đại – người cha già kính yêu của dân tộc. Ngoài mảng đề tài về tình yêu quê hương đất nước, tình yêu đôi lứa, tình cảm lãnh tụ…. thơ hiện đại thể hiện vẻ đẹp của thiên nhiên, của lòng người một cách sâu lắng. Và có lẽ mùa xuân là nơi hội tụ bao vẻ đẹp của thiên nhiên, đất nước và con người nên thơ xuân mới hay và đậm đà ý vị. Thi sĩ Thanh Hải trước khi vĩnh biệt cuộc đời vẫn để lại cho chúng ta một áng thơ xuân trong trẻo, tinh tế đến lạ lùng – đó là bài thơ Mùa xuân nho nhỏ. Giữa khung cảnh mùa xuân hôm nay, chúng ta hãy tưởng nhớ đến cố nhà thơ Thanh Hải qua ca khúc Một mùa xuân nho nhỏ của nhạc sĩ Trần Hoàn do song ca nam nữ Anh Hiếu – Ngân Hà trình bày.

Với âm điệu dìu dặt, êm ái ta thấy hiện lên một mùa xuân của thiên nhiên trong sáng, một mùa xuân của đất nước non xanh, căng tràn sức sống và một nguyện ước hiến dâng cho đời. Chúng ta hãy thưởng cho hai bạn một tràng pháo tay thật lớn nào….

Phần Trò Chơi “Nhanh Tay Lĩnh Thưởng”

Kính thưa quý vị đại biểu và các em. Chúng ta vừa được thưởng thức những tiết mục văn nghệ vô cùng đặc sắc. Và bây giờ là một chương trình cũng bổ ích và thú vị không kém dành cho tất cả các em. Đó là phần trò chơi tìm hiểu văn học với tựa đề: Nhanh tay lĩnh thưởng.

Các em có thích không nào?

(Phương điều khiển trên sân khấu, Tuấn điều chỉnh máy chiếu, Khánh Hồng đưa míc cho học sinh, Thanh Hải phát quà)

Trước khi đến với phần trò chơi cô xin thông qua cách thức chơi: Các em chú ý quan sát hình ảnh trên máy chiếu và nghe cô giáo đọc câu hỏi, em nào có đáp án hãy giơ tay. Ai giơ trước sẽ được trả lời trước, trả lời đúng sẽ có quà, trả lời sai cơ hội dành cho bạn khác. Sẽ có người đem míc đến tận nơi để các em trả lời. Các em rõ luật chưa? Các em sẵn sàng chưa?

Chúng ta bắt đầu!

Văn học dân gian

Câu 1: Câu ca dao “Dù ai đi ngược về xuôi – Nhớ ngày giỗ Tổ mùng 10 tháng 3” Giúp em liên tưởng tới truyền thuyết nào các em đã được học ở lớp 6.

Trả lời: “Truyền thuyết “Con Rồng cháu Tiên”

Đây là một truyền thuyết rất có ý nghĩa giải thích về nguồn gốc linh thiêng của người Việt. Tất cả 54 dân tộc sinh sống trên đất nước Việt Nam đều là anh em cùng chung một nhà – cha Rồng mẹ Tiên- Là hoa một gốc là con một nhà… Và với câu trả lời xuất sắc này em xứng đáng nhận một phần quà, xin chúc mừng em.

Câu 2: Em hãy đọc một câu hoặc một bài ca dao về Phú Thọ quê ta…

Trả lời:

Ai về Phú Thọ cùng ta,

Vui ngày giỗ Tổ tháng ba mùng mười.

Dù ai đi ngược về xuôi,

Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba

Sông Thao nước đục người đen,

Ai lên phố Én cũng quên đường về.

Ai làm cái nón có thao

Để cho anh thấy cô nào cũng xinh !

Sông Thao nước đỏ như son,

Người đi có nhớ nước non quê mình?

Nhất sòng Cao xá

Nhất rá Kẻ Rền

Nhất đền Hùng Vương

Nhất hương Sơn Thị

Văn học trung đại.

Câu 3: Một bài thơ chữ Hán được coi là “Bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước ta” là bài thơ nào? Tác giả là ai? Em hãy đọc bài thơ đó.

Trả lời: Nam quốc sơn hà – Sông núi nước Nam của Lý Thường Kiệt.

  • Phiên âm:

Nam quốc sơn hà Nam đế cư

Tuyệt nhiên định phận ở thiên thư

Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm

Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư

  • Dịch thơ:

Sông núi nước Nam vua Nam ở

Vằng vặc sách trời chia sứ sở

Giặc dữ cớ sao phạm đến đay

Chúng mày nhất định phải tan vỡ

Sông núi nước Nam là một bài thơ được gắn với tên tuổi của Lý Thường Kiệt và cuộc kháng chiến chống Tống của dân tộc ta. Truyền thuyết kể rằng: Năm 1077, quân Tống do Quách Quỳ chỉ huy xâm lược nước ta. Vua Lý Nhân Tống sai Lý Thường Kiệt đem quân chặn giặc ở phòng tuyến trên Sông Như Nguyệt ( một khúc sông Cầu nay thuộc huyện Yên Phong, Bắc Ninh), bỗng một đêm quân sĩ chợt nghe từ trong đền thờ hai anh em Trương Hống, Trương Hát (hai vị tướng giỏi của Triệu Quang Phục được tôn là thần trên sông Như Nguyệt) có tiếng ngâm thơ vọng ra. Tiếng thơ dõng dạc hào sảng đã làm cho quân giặc khiếp vía rụng rời chân tay, đồng thời khích lệ tinh thần chiến đấu dũng cảm của quân ta…góp phần vào tháng lợi của cuộc kháng chiến. Cũng vì thế mà bài thơ còn được gọi là Bài thơ Thần…Áng thiên cổ hùng văn bất hủ của văn học nước nhà…

Và em xứng đáng nhận một phần thưởng… xin chúc mừng em…

Câu 4: Các em cùng nghe đoạn văn

“Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gỗi; ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa; chỉ căm tức vì chưa xả thịt, lột da, nuốt gan, uống máu quân thù; dẫu cho trăm thân này phơi ngoài nội cỏ, nghìn xác này gói trong da ngựa, ta cũng vui lòng…”

Đoạn văn trên trích trong tác phẩm nào? Của ai? Sáng tác trong hoàn cảnh nào?

Trả lời: Trích trong tác phẩm “Hịch tướng sĩ” của Trần Quốc Tuấn. Bài Hịch được sáng tác khoảng trước cuộc kháng chiến chống quân Mông – Nguyên lần thứ 2 (1285).

Hưng Đạo Vương – Trần Quốc Tuấn thời nhà Trần, là người có công lớn nhất trong cuộc kháng chiến chống giặc Mông – Nguyên lần 2 và 3. Ông được nhân dân tôn làm thánh, là 1 trong “Tứ bất tử” thuộc tín ngưỡng dân gian của người Việt. HTSĩ có tên chữ Hán là: “Dụ chư tì tướng hịch văn” được công bố tháng 9/1284 tại Đông Bộ Đầu trong cuộc kháng chiến chống quân Mông – Nguyên lần thứ 2. Lời hịch là lời hiệu triệu toàn dân, toàn quân luyện tập chuẩn bị đánh giặc. Đó là những lời nói gan ruột của vị chủ tướng với những câu văn biền ngẫu, giọng văn dõng dạc, hào hùng được coi là một trong những áng “Thiên cổ hùng văn” của dân tộc.

Câu 5: Quan sát bức chân dung và các hình ảnh gợi cho em nhớ đến tác giả nào? Hãy kể tên một vài sáng tác tiêu biểu của ông?

Trả lời: Tác giả Nguyễn Trãi: Bình Ngô Đại cáo, Côn Sơn Ca….

Nguyễn Trãi (1380-1442) hiệu là Ức Trai ( có nghĩa là tâm sáng như ngọc). Ông là nhà thơ lớn, nhà quân sự tài ba và là người VN đầu tiên được UNESCO công nhận là danh nhân văn hoá thế giới năm 1980. Về văn chương, ông để lại một sự nghiệp đồ sộ và phong phú, với những tác phẩm như Bình Ngô đại cáo, Ức Trai thi tập, Quốc âm thi tập, Quân trung từ mệnh tập… trong đó nổi tiếng nhất phải kể đến Bình Ngô đại cáo với 189 câu mà ông đã thay mặt chủ tướng Lê Lợi viết để bố cáo với toàn dân thiên hạ sự nghiệp chống giặc Minh xâm lược hoàn toàn thắng lợi.

Bài cáo không chỉ khẳng định về nguyên lý nhân nghĩa, sự tồn tại độc lập, chủ quyền của dân tộc Đại Việt mà còn chứng minh tính chính nghĩa của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn và khẳng định sức mạnh của nguyên lý nhân nghĩa “Yên dân – Trừ bạo” – Lấy dân làm gốc.

Tác phẩm được coi là một bản tuyên ngôn độc lập thứ hai, bản anh hùng ca bất hủ của dân tộc.…… Và chúc mừng em….

Câu 6: Một tác phẩm được coi là viên ngọc sáng ngời trong vườn hoa dân tộc Việt Nam, với 3254 câu thơ lục bát. Một sáng tác bằng chữ Nôm xuất sắc với ngôn từ được gọt rũa, chau chuốt… cũng nhờ tác phẩm này mà ngôn ngữ dân tộc đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật . Đó là tác phẩm nào? Tác giả là ai? Em có thể đọc một vài câu thơ.

Trả lời: Truyện Kiều, của Nguyễn Du….

Nguyễn Du (1765-1820) tên chữ là Tố Như, hiệu là Thanh Hiên. Quê ở Tiên Điền huyện Nghi Xuân, tình Hà Tĩnh…Tuy sinh trưởng trong một đại gia đình quý tộc nhiều đời làm quan và có truyền thống văn chương nhưng Nguyễn Du sớm chịu cảnh bất hạnh. Cuộc đời ông gắn liền với những biến cố lịch sử giai đoạn cuối thế kỉ XVIII đầu thế kỉ XIX. Một giai đoạn CĐPK VNam khủng hoảng trầm trọng. Trong hoàn cảnh ấy ND đã sống phiêu bạt nhiều nơi, ông am hiểu sâu sắc đời sống nhân dân đặc biệt là những kiếp người nhỏ bé bất hạnh trong xã hội như người phụ nữ, cảm thông với số phận bất hạnh của họ. Ông đã cho ra đời nhiều tác phẩm cho thấy tình cảm của ông đối với những điều mắt thấy tai nghe. Một trong số những tác phẩm ấy là kiệt tác văn chương Đoạn trường tân thanh hay còn gọi là Truyện Kiều – đã được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới.

Câu 8: “Một nhà giáo, một nhà thơ, một thầy thuốc sống ở thế kỉ XIX, quê ở Gia Định. Khi thực dân Pháp xâm lược ông dùng ngòi bút để chiến đấu với quân thù và cổ vũ lòng yêu nước, ý chí chiến đấu đánh đuổi quân thù? Năm 1888 ông mất cả cánh đồng Ba Tri rợp khăn trắng của nhân dân và các thế hệ học trò tiễn đưa người thầy đáng kính về nơi an nghỉ cuối cùng…”, trên khắp đất Việt nhiều trường học mang tên ông. Ông là ai? Em có thể kể tên một vài sáng tác của ông?

Trả lời: Nguyễn Đình Chiểu : Lục Vân Tiên, Ngư Tiều y thuật vấn đáp, Chạy giặc, …….

Nguyễn Đình Chiểu hay nhân dân thường gọi ông với cái tên dầy trìu mến là cụ đồ Chiểu. Một tấm gương sáng ngời của nghị lực vượt lên số phận để sống một cuộc đời thật đẹp thật ý nghĩa. Một tấm gương lớn với tinh thần yêu nước không gì có thể khuất phục được. Nói đến những tác phẩm tiêu biểu của ông chúng ta không thể bỏ qua Văn Tế nghĩa sĩ Cần Giuộc. Năm 1858, thực dân Pháp nổ súng vào Đà Nẵng, Việt Nam. Sau khi chiếm được thành Gia Định vào đầu năm 1859, quân Pháp bắt đầu một quá trình mở rộng tấn công ra các vùng lân cận như Tân An, Cần Giuộc, Gò Công v.v… Đêm rằm tháng 11 năm Tân Dậu (ngày 16 tháng 12 năm 1861)[1], những nghĩa sĩ mà trước đây vốn là nông dân, vì quá căm phẫn kẻ ngoại xâm, đã quả cảm tập kích đồn Pháp ở Cần Giuộc, tiêu diệt được một số quân của đối phương và viên tri huyện người Việt đang làm cộng sự cho Pháp. Khoảng 20 nghĩa sĩ hi sinh[2]. Để tưởng nhớ các nghĩa sĩ đã hi sinh trong trận đánh này, Nguyễn Đình Chiểu làm bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, đọc tại buổi lễ truy điệu. Bài văn tế được viết bằng chữ Nôm, gồm 30 liên, tức 60 vế đối biền ngẫu, làm theo thể phú luật Đường luật, có vần, có đối. Toàn bài mang tính chất trầm hùng, bi thiết, có sức cổ vũ lớn. Và đây là một trong 6 tác phẩm bắt buộc được Bộ GD đưa vào dạy trong chương trình Ngữ văn mới tới đây…

Văn học hiện đại

Câu 9: Quan sát đoạn phim sau đây và cho biết đây là bối cảnh phim được chuyển thể từ tác phẩm văn học nào? Tác giả là ai?

Trả lời: Tác phẩm Tắt đèn của Ngô Tất Tố ( trích đoạn Con có thương thầy thương u)

Đây là một tác phẩm văn học hiện thực phê phán xuất sắc của văn học VN trước CM tháng Tám 1945. Truyện như một bức tranh thu nhỏ về nông thôn Việt Nam trước CMT8. Cuộc sống của nông dân điêu đứng, cùng cực vì cảnh áp bức, bóc lột, sưu cao thuế nặng…. khi phải chịu cảnh một cổ hai chòng (Thực dân, phong kiến)
Chúc mừng em!

Câu 10: Quan sát đoạn phim tư liệu sau đây gợi cho em nhớ đến sự kiện lịch sử trọng đại nào?

Trả lời: Sự kiện ngày 2/9/1945 tại quảng trường Ba Đình lịch sử, chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước VN dân chủ cộng hoà…

Tuyên ngôn Độc lập là một văn kiện lịch sử, một văn bản pháp lý quan trọng bậc nhất của nước ta. Với hệ thống lập luận chặt chẽ, lí lẽ sắc bén, giọng văn hùng hồn, một cơ sở pháp lý vững chắc khẳng định mạnh mẽ chủ quyền quốc gia của dân tộc Việt Nam trước toàn thế giới, mở ra trang sử mới – kỉ guyên mới của dân tộc ta trên con đường phát triển. Và với câu trả lời này em đã nhận được một phần quà.

Văn nghệ kết thúc

Các em vừa được tìm hiểu các tác phẩm thơ văn, các tác giả nổi tiếng trong nền văn học Việt Nam qua phần chơi hết sức sôi nổi và bổ ích. Để tiếp nối chương trình ngoại khóa hôm nay chúng ta sẽ đến với vũ điệu Bachata mùa xuân do các bạn học sinh trong Câu lạc bộ Tiếng Anh của trường thể hiện.

Điệu nhảy sôi động đã khép lại chương trình ngoại khóa văn học của chúng ta ngày hôm nay. Thầy cô hi vọng sau buổi ngoại khóa này các em sẽ thêm yêu quý VH, thêm yêu quý những giá trị tinh thần mà văn học đã mang lại cho chúng ta.

  • Xin chân thành cảm ơn quý vị đại biểu khách quý, chúc quý vị một năm mới dồi dào sức khoẻ, thành công và hạnh phúc.
  • Chúc các thầy cô giáo thật nhiều niềm vui trong cuộc sống và thành công trong sự nghiệp trồng người.
  • Chúc các em học sinh chăm ngoan, học giỏi xứng đáng là những chủ nhân tương lai của đất nước.

Xin chân thành cảm ơn, tạm biệt và hẹn gặp lại…

Nguồn: https://truongxaydunghcm.edu.vn